Trẻ khiếm thính sau cấy ốc tai điện tử học nghe – nói không khác trẻ bình thường. Trước hết, chúng tôi xin chia sẻ một chút trải nghiệm về học nói của trẻ bình thường từ góc độ nhi khoa phát triển.
Rất nhiều phụ huynh chia sẻ với nhau, mẹ thương yêu bé không kém gì ba, thậm chí thời gian mẹ dành cho bé còn nhiều hơn vậy mà khi bắt đầu học nói bé chỉ nói “ba!”, dạy cũng không chịu nói “mẹ!”. Hãy để khoa học về ngữ âm giải thích, đính chính cho bé, Quý Phụ huynh nhé.
Các phụ âm lời nói phát triển theo kiểu bậc thang, từ dễ đến khó dần, theo cấu trúc cơ thể học thì dễ nhất là từ ngoài môi dần vào trong miệng: âm dễ là âm phát triển sớm đó là âm môi là “b, p”, âm khó là âm phát triển trễ đó là những âm của ngạc mềm và gốc lưỡi (k, g, ng).
Các nguyên âm dễ là những nguyên âm có độ mở miệng rộng và ở hàng sau, là “a, ă, o, ô”.
Như vậy một cách tự nhiên bé sẽ bật ra âm “ba!” trước và sớm vì đó là tổ hợp âm dễ, phát triển sớm (giống như biết lật trước khi biết bò).
Âm “mẹ!”, gồm phụ âm /m/, là phụ âm môi, âm kéo dài cộng hưởng mũi, nếu đứng ở vị trí phụ âm đầu sẽ khó cho trẻ khi mới học nói; nguyên âm /ẹ/ là nguyên âm khó vì ở hàng trước độ mở miệng không rộng, như vậy “mẹ” là tổ hợp âm khó cho bé mới bắt đầu học nói.
Trên đây là câu chuyện thực tế học nói của tất cả các bé trên thế giới, tiếng mẹ đẻ có khác nhau, nhưng các bước phát triển thì hầu hết là giống nhau, các bé cấy ốc tai điện tử cũng sẽ trải qua tiến trình học nói như trẻ bình thường.
Trước nhất các bé sau cấy ốc tai điện tử phải được chuyên gia thính học lập chương trình (mapping) nghe âm lời nói từ dải tần thấp nhất 70Hz đến 8,500Hz một cách ổn định.
Song song với việc mapping, chuyên gia AVT sẽ dạy bé nghe theo từng mức độ: từ khả năng phát hiện âm thanh đến kỹ năng hiểu từ và nói từ ấy. Khoảng cuối năm đầu, bé sẽ nói rõ hầu hết các nguyên âm đơn và một số vần, về phụ âm bé sẽ phân biệt tốt và nói được các phụ âm bật và phụ âm mũi (b, t, đ, h ≠ m, n), các chuyên gia sẽ hỗ trợ cho ba mẹ các kỹ thuật làm nổi bật các âm mà bé nghe hoặc nói chưa rõ.
Giai đoạn này bé có phát âm lẫn lộn các phụ âm /b,t,đ/ ta cũng không quá lo lắng. Sang năm thứ ba hoặc thứ tư bé sẽ phân biệt và nói rõ hầu hết các phụ âm, các nguyên âm và dấu, với khả năng này các bé sẽ đi học hòa nhập rất thuận lợi.
Các phụ huynh đừng ngần ngại gặp các nhà thực hành AVT của hearLIFE MED-EL Việt Nam vì hai lý do:
1/ Chúng tôi được đào tạo thực hành AVT theo chuẩn cấp chứng chỉ nghiêm ngặt AGBell của Hoa Kỳ. Chúng tôi tự tin biết nhiều thuật, nhiều mẹo dạy trẻ học nghe và nói ngày càng chuẩn hơn.
2/ Chúng tôi được đào tạo để đồng hành với phụ huynh, phấn đấu cùng một mục tiêu là giúp trẻ thành công trong học hòa nhập. Do đó, chúng tôi không ngần ngại chia sẻ và hỗ trợ phụ huynh các thuật, mẹo để giúp trẻ tiến bộ.
Võ Như Ngọc, Nhà Thực Hành AVT