Tôi, Võ Phước Quý Lâm, 27 tuổi. Tôi sống ở Huế cùng gia đình. Tôi đã được phẫu thuật cấy ghép Ốc tai điện tử ngày 23/6/2016, và được lắp thiết bị đeo ngoài vào ngày 23/7/2016, đó cũng là ngày kỉ niệm sinh nhật của tôi, một kỉ niệm không thể nào quên được. Tôi đã nhận được nhiều câu hỏi và những thắc mắc của một số bạn trên Facebook, nên hôm nay tôi viết vài dòng tâm sự của mình lên đây, hy vọng nó có thể giúp gì đó cho các bạn.
Tôi không rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm thính lực của mình. Nhưng theo chẩn đoán của các bác sĩ Tai Mũi Họng và bố mẹ tôi thì có thể là do tôi đã mắc phải bệnh sốt co giật và sử dụng kháng sinh kéo dài lúc tôi 2 tuổi rưỡi. Từ đó thính lực của tôi bị giảm dần ở các tần số cao (1kHz đến 8kHz), trước khi cấy ốc tai, tôi vẫn còn nghe được một ít âm thanh ở tần số thấp (125Hz đến 500 Hz). Tình trạng suy giảm thính lực ở tần số cao cứ tiến triển dần cho đến lúc mất hẳn, gần như tôi không thể hiểu bất kì âm thanh nào ở tần số cao cả, như giọng nói của người nữ giới, tiếng chim hót, tiếng nhạc… Tôi dần tự cách ly mình khỏi thế giới bên ngoài, trừ những lúc ở trường ra thì thời gian còn lại của tôi hầu như ở nhà, hay thỉnh thoảng ra ngoài uống cà phê dạo chơi với vài người bạn thân.
Lúc 14 tuổi, tôi từng được các bác sĩ khuyên nên sử dụng máy trợ thính để cải thiện tình trạng thính lực của mình nhưng thật sự chúng quá ồn, có thể là vì tôi vẫn còn nghe được ở tần số thấp, và tôi cũng không thể hiểu được tiếng lời nói khi đeo chúng. Cuộc sống tôi vẫn cứ tiếp diễn như vậy… Lúc đi học, tôi thường được các thầy, cô giáo cho ngồi bàn đầu, gần giáo viên nhất để nghe được tốt hơn một chút (tất nhiên là bố tôi đã trình bày tình trạng nghe kém của tôi cho họ biết), cộng thêm học cách để đọc khẩu hình miệng. Một điều nữa là, vì bị nghe kém từ nhỏ nên lời nói của tôi cũng bị ảnh hưởng, chỉ người thân thuộc trong gia đình tôi mới hiểu tôi đang nói về vấn đề gì. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho tôi khi học nhưng môn cần đến nghe và nói nhiều như Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, và tệ nhất là Âm nhạc…
Nhiều lúc tôi cảm thấy rất buồn, và tủi thân; nếu lúc đó không có gia đình tôi luôn ở bên cạnh động viên, cổ vũ thì tôi không chắc có thể tự mình hoàn thành chương trình học phổ thông được không nữa. Và mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy, bằng sự nỗ lực không ngừng để học tốt các môn Toán, Lý, Hóa và rồi tôi thi đỗ vào trường Cao đẳng Đa phương tiện VTC ở thành phố Đà Nẵng, chuyên ngành Điện công nghiệp. Bắt đầu một cuộc sống xa gia đình, mất đi một điểm tựa vững chắc, tôi sống với gia đình bà con ở Đà Nẵng. Khi còn ở nhà, bố mẹ tôi đã trở thành những “thông dịch viên” bất đắc dĩ cho tôi trò chuyện với người khác, nhưng bây giờ tôi phải cố gắng hơn gấp 10 lần để hiểu người khác và để diễn đạt cho người khác hiểu mình. Tôi rất thích chuyên ngành mà tôi đang theo học, vì không nghe hiểu tốt nên tôi phải tìm kiếm tài liệu từ sách vở hay Internet để tự học lấy, và rồi cuối cùng tôi cũng đã hoàn tất 3 năm Cao đẳng của mình một cách ngoạn mục.
Cầm trên tay tấm bằng loại Giỏi và bắt đầu tìm kiếm một công việc để tự nuôi sống bản thân mình. Khởi nghiệp như một nhân viên Kỹ thuật máy tính cho một doanh nghiệp tư nhân do một người thân làm chủ, tôi không khó bắt nhịp với công việc nhưng rào cản lớn nhất của tôi vào lúc đó là giao tiếp. Tệ nhất là lúc họ gọi tôi giúp đỡ nhưng tôi không nghe thấy gì. Người thân của tôi đang sinh sống và làm việc tại Mỹ cố gắng giúp tôi sang Mỹ và định cư ở đó (đương nhiên là có công việc theo đúng chuyên ngành), nhưng tôi nhận thấy rằng trước hết tôi phải giải quyết được tình trạng mất thính lực và phá vỡ rào cản giao tiếp của mình, nếu không những ngày tháng tiếp theo của tôi sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Tôi cùng bố đến bệnh viện Đại học y dược Huế một lần nữa để tìm sự giúp đỡ, bác sĩ trưởng khoa Tai Mũi Họng ở đó đã khuyên tôi nên cấy Ốc tai điện tử, gia đình tôi đứng trước một quyết định lớn, phải mất một khoảng thời gian căn nhắc, suy nghĩ cả nhà đã đưa ra quyết định cuối cùng là chọn MEDEL – nơi mà chúng tôi chọn để gởi gắm tương lai của mình.
Mọi thủ tục về chẩn đoán hình ảnh, kết quả thính học, tiêm chủng ngừa, xét nghiệm tiền phẫu…đã hoàn thành. Đến ngày phẫu thuật 23/6/2016, tôi được đưa vào phòng mổ với tâm trạng đầy lo lắng, hồi hộp. Ca phẫu thuật kéo dài từ 2 giờ chiều đến 4 giờ 30 chiều với sự hướng dẫn trực tiếp của giáo sư Norberto Martinez – một bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong giải phẫu ốc tai điện tử đến từ Philippine. Ngài đã chọn cho tôi điện cực Flex28 và giải thích với gia đình tôi rằng: Điện cực này có chiều dài 28mm, nó đủ dài để bao phủ toàn bộ ốc tai của tôi, nhờ đó tôi có thể nghe được dải âm thanh rộng từ 70Hz đến 8500Hz, kích thích âm thanh sẽ tự nhiên thêm tự nhiên với thính giác của tôi. Ngoài ra, điện cực này cực kì mỏng manh sẽ làm giảm thiểu tổn thương trong cấu trúc ốc tai của tôi, và sức nghe còn lại ở tần số thấp cũng được bảo tồn nguyên vẹn.
Mọi việc diễn ra suôn sẻ như hoạch định, tôi được xuất viện và chỉ cần chờ đến ngày bật máy.Mọi trí tưởng tượng của tôi đều hướng về ngày hôm đó, 23/7/2016, cũng là sinh nhật lần thứ 27 của tôi. Rất nhiều câu hỏi tự đặt ra trong đầu tôi: Âm thanh của ốc tai điện tử sẽ như thế nào? Có khó chịu như khi đeo máy trợ thính hay không? Tôi có thể nghe tốt như người bình thường không? Tôi mong từng ngày, thật nhanh, thật nhanh đến ngày bật máy, tôi đã không tài nào ngủ được vào đêm trước ngày bật máy.
Giống như đã được tư vấn kỹ càng trước khi cấy, âm thanh lúc mới bật máy chỉ toàn là những tiếng tít tít, tưng tưng, tút tút giống như tiếng đàn piano của người mới tập chơi, rất là đơn điệu. Tôi không thể nào ghi nhớ và tổng hợp những âm thanh đơn điệu, thêm một vấn đề mà tôi phải đối mặt là âm thanh từ bên tai phải và bên được cấy ốc tai (tai trái) hoàn toàn khác nhau. Tôi đã được thuyết phục là phải làm quen với nó. Vài ngày sau đó, tôi bắt đầu phân biệt được những âm thanh của tiếng động cơ xe, tiếng máy bay, của một người đang đóng mở cửa, tiếng ai đó đang gọi tên tôi… Sau 2 tuần, tôi có thể phân biệt được lời nói khác nhau, nhưng chỉ từ đơn hoặc từ ghép. Một tháng sau khi bật máy, tôi bắt đầu chương trình trị liệu âm ngữ với chuyên gia phục hồi của mình. Đầu tiên, phải học cách nghe và nhận biết 6 âm Ling, sau đó là nghe và phân biệt các âm thanh lời nói; các bài tập nghe, tập nói làm tôi thấy mình giống như một đứa trẻ mới vào lớp 1.
Sau lần chỉnh máy đầu tiên, sức nghe của tôi ở ngưỡng 60-70dB, lần 2 ở ngưỡng 30-40dB. Bây giờ, đã hơn 3 tháng kể từ ngày bật máy, tôi gần như hiểu tất cả những điều mà người khác đang nói với tôi, và tôi có thể trò chuyện với bất kì ai mà tôi muốn. Điều đặc biệt hơn nữa là Ốc tai điện tử của tôi đươc trang bị công nghệ Fine Hearing – cho phép tôi thưởng thức được thứ âm nhạc đích thực là gì. Mỗi buổi sáng, tôi thường ngồi trước sân để nghe tiếng chim hót, điều mà trước đây tôi chưa bao giờ nghe được. Hay là tiếng guitar của thằng bạn thân gần nhà.
Tôi muốn gởi lời cảm ơn chân thành đến bố mẹ tôi – đã theo sát và động viên tôi trên từng chặn đường tôi bước, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng – đã cho tôi những hỗ trợ tốt nhất về mặt y khoa, chuyên gia thính học đã giúp tôi điều chỉnh thiết bị để tôi có thể lấy lại sức nghe một cách hoàn hảo nhất, chuyên gia trị liệu âm ngữ – điều chỉnh từng câu, từ để tôi có thể phát âm và sử dụng ngôn từ phù hợp trong giao tiếp. Cảm ơn MEDEL đã mở ra cho tôi một chân trời mới!!! Hy vọng bài viết của tôi có thể giúp gì đó cho các bạn. Hẹn gặp lại trong bài viết tiếp theo.
Video phóng sự cấy ốc tai của Quý Lâm:
Võ Thanh Hoàng tường thuật