Trước khi nói đến việc phân loại rác, ta cần phải biết rằng mỗi người chúng ta hằng ngày đều thải ra một lượng rác thải nhất định, nhưng hầu như chúng ta đều thơ ơ cho rằng rác thải của mình đều có các nhân viên vệ sinh đến thu gom, thậm chí có những người còn thản nhiên vứt rác xuống đường, kênh rạch, đặc biệt là xuống CỐNG RÃNH. Có một điều ở đây mình muốn nhắc nhở phòng trường hợp các bạn quên rằng CỐNG RÃNH là nơi để thoát nước, không phải là THÙNG RÁC.
Đầu tiên, nếu muốn bảo vệ môi trường sống của mình thì bạn nên cần biết rõ những loại rác sinh hoạt mình thải ra hằng ngày:
1. Rác hữu cơ
Rác hữu cơ là các loại rác dễ phân huỷ như thức ăn thừa, trái cây, rau củ quả, bã trà, cà phê, cỏ, lá cây, rơm…
Những loại rác thải này bạn sẽ cho vào túi màu xanh lá cây (hoặc trắng), nếu không có thì bạn cũng có thể dán nhãn dán “Rác hữu cơ” vào túi rác. Những loại rác thải này sẽ được đem thành phân bón.
2. Rác vô cơ
Rác vô cơ là những loại rác không thể sử dụng được nữa cũng không thể tái chế được mà chỉ có thể xử lý bằng cách mang ra các khu chôn lấp rác thải như nilon, sành sứ, gạch, xỉ than, gỗ…
Để chung tay bảo vệ môi trường bạn nên hạn chế sử dụng các loại rác này nhé. Đơn giản như khi đi chợ thay vì với từng loại thực phẩm bạn đều dùng 1 chiếc túi nilong, bạn có thể để trực tiếp chúng vào chiếc giỏ chẳng hạn hoặc sử dụng các loại túi tự phân hủy đang có trên thị trường hiện nay. Bạn có lẽ sẽ giật mình khi biết rằng những chiếc túi nilong tưởng chừng như rất tiện lợi này chỉ bị phân hủy hết khi được chôn dưới lòng đất từ 400 – 600 năm.
Những loại rác này bạn có thể cho vào túi màu bất kỳ (trừ xanh lá và trắng) hoặc nếu cẩn thận hơn bạn có thể dán nhãn rác vô cơ vào.
3. Rác tái chế
Những loại rác có thế tái chế như giấy báo, vỏ hộp sữa, thùng carton, vỏ chai, lon, sắt thép…bạn có thể đem đi bán hoặc tặng cho những nơi thu gom phế liệu.
4. Lưu ý
Các loại rác ngoại cỡ như tủ, giường chúng ta nên liên hệ với các cơ quan và hệ thống xử lý.
Ngoài ra, có một điều đặc biệt đáng chú ý mà chúng ta thường nhầm lẫn là các loại PIN TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC VỨT VÀO THÙNG RÁC.
Trong pin thường có các kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín… đây là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người. Vì thế khi các bạn đem vứt vào sọt rác, Pin sẽ bị chôn lấp xuống đất, các chất độc này sẽ thấm nhanh vào đất, nguồn nước và chính chúng ta sẽ là những nạn nhân chịu những hậu quả nặng nề vì lượng thủy ngân có trong một viên pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm. Vì thế, khi thải Pin chúng ta cần có một cơ quan, hệ thống để xử lý loại rác độc hại này.
Sau đây là một số những địa điểm thu hồi pin cũ ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mình tổng hợp được trên mạng:
Thành phố Hồ Chí Minh
1. Sở Tài nguyên – Môi trường, 63 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
2. MM MEGA MARKET An Phú, Song Hành, Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM
3. UBND phường 15, quận 4, 153 Tôn Thất Thuyết, Phường 16, Quận 4, TP.HCM
4. UBND phường 17, quận Phú Nhuận, 22 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 17, Phú Nhuận, TP.HCM
5. UBND phường 2, quận Bình Thạnh, 14 Phan Bội Châu, Phường 2, Bình Thạnh, TP.HCM
6. Cty Hanel Trading, Số 260A Điện Biên Phủ , Phường 7, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh
7. Trung tâm bảo hành Cannon Lê Bảo Minh, 95B-97-99 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP. HCM
8. Big C 99 Nguyễn Thị Thập, P. Tân Phú, Q.7
9. Công ty BK Solar, 47 Lê Văn Thịnh q.2
10. Công ty hearLIFE, 180 Ngô Gia Tự, Q. 10
Hà Nội:
1. UBND phường Thành Công, số 9 đường Thành Công (Thành Công, Ba Đình)
2. UBND Phường Tràng Tiền, số 2 Cổ Tân, Hoàn Kiếm
3. UBND phường Quán Thánh, số 12-14 đường Phan Đình Phùng (Quán Thánh, Ba Đình)
4. Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, đối diện số 45 phố Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy)
5. Chi cục bảo vệ môi trường, 17 Trung Yên 3, Cầu giấy
6. Cty Hanel Trading, Số 2 Chùa Bộc, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội
7. Trung tâm bảo hành Cannon Lê Bảo Minh, 130A Giảng Võ, Ba Đình
10. Công ty hearLIFE, 198 Trường Chinh, Đống Đa
Có thể thấy, việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Nếu các gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn. Chúng ta hãy tuyên truyền cho mọi người cùng hành động để không chỉ mình thay đổi mà cả toàn thể xã hội thay đổi theo hướng đến một xã hội xanh sạch đẹp như những gì đã được công nhận. Hãy hành động vì một tương lai trong lành hơn và tất cả là vì một tương lai không còn ô nhiễm.
Nguồn bài viết: TalkBeauty.vn