Âm ngữ trị liệu – Phương pháp phục hồi khả năng nói của trẻ
01.08.17
04 lý do giúp hearLIFE trở thành dịch vụ cung cấp Máy trợ thính, Ốc tai điện tử hàng đầu Việt Nam
28.08.17
Xem thêm bài

Đánh giá ngôn ngữ

Tác giả: Võ Như Ngọc, nhà trị liệu Âm-Ngữ trị liệu

Đánh giá sự phát triển về ngôn ngữ của một trẻ là một phần việc của nhà trị liệu ngôn ngữ, nó là thông tin cần thiết không những cho chính nhà trị liệu ngôn ngữ mà còn là thông tin cần cho các nhà chuyên môn đang làm việc trong nhóm can thiệp về giao tiếp cho trẻ.

Trong việc xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi thính giác cho trẻ mất thính lực, điểm mạnh, điểm yếu về phát triển ngôn ngữ của một ứng viên cấy ốc tai điện tử là một trong các yếu tố cần được tham khảo. Dĩ nhiên, đối với trẻ mất thính lực chưa được can thiệp thiết bị trợ thính nội dung đánh giá ngôn ngữ sẽ khác với trẻ đã được can thiệp thiết bị trợ thính.

Mục tiêu của bài viết này nhằm cung cấp thêm thông tin về nội dung đánh giá ngôn ngữ ở trẻ mất thính lực của nhà trị liệu ngôn ngữ, từ kết quả đánh giá này các nhà chuyên môn có liên quan cũng như phụ huynh sẽ biết được đứa trẻ đang ở đâu và nên có sự mong đợi thích hợp như thế nào sau khi được can thiệp.

Trước nhất, chúng ta nên thống nhất ý nghĩa của cụm từ “Ngôn Ngữ” là gì. Ngôn ngữ là một công cụ để giao tiếp, là hệ thống bộ mã được quy ước, được người nghe và người nói hoặc người viết và người đọc có cùng ngôn ngữ (ví dụ cùng Việt ngữ hoặc Anh ngữ) chia sẻ thông tin, mã ngôn ngữ được quy ước này có thể là ngôn ngữ lời và ngôn ngữ không lời. Và có hai loại ngôn ngữ là ngôn ngữ nghe-hiểu và ngôn ngữ-tiếp nhận.

(Quan sát trẻ chơi để đánh giá những kỹ năng tiền – ngôn ngữ)

Đánh giá ngôn ngữ ở trẻ mất thính lực, nhà trị liệu phải đánh giá cả ngôn ngữ nghe hiểu lẫn ngôn ngữ tiếp nhận, nhưng là ngôn ngữ không lời.

Ở trẻ nhỏ mất thính lực, đánh giá ngôn ngữ không lời hay chính xác hơn là đánh giá sự phát triển các kỹ năng tiền ngôn ngữ, trẻ được cho là có điểm mạnh khi các kỹ năng này phát triển phù hợp với tuổi. Nếu hồ sơ một trẻ có nhiều điểm mạnh, hiệu quả phục hồi thính giác sẽ cao.

Các kỹ năng tiền-ngôn ngữ có được từ hai phía là:

Từ sự nuôi dưỡng của phụ huynh

Một trong những thông tin nền tảng mà nhà trị liệu nên ghi nhận là sự gắn bó, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ khi sơ sinh, đây là nền tảng cho mọi bắt đầu phát triển của trẻ trong đó có cả phát triển về ngôn ngữ trong tương lai. Ví dụ, khi cho bé bú, có lúc bé ngưng bú, mẹ lắc nhẹ bình bú nhằm giục bé bú tiếp, đây được xem như hành vi cơ bản xây dựng lên kỹ năng luân phiên.

Môi trường nuôi dưỡng không chỉ có yêu thương mà cần phong phú cho bé lĩnh hội âm thanh ngôn ngữ- nghe và tương tác qua lại với người chăm sóc. Khoa học đã chứng minh nếu ba mẹ là người hay nói, trẻ sẽ được nghe nhiều và thuận lợi cho việc phát triển ngôn ngữ nói.

(Kỹ năng cùng – chú ý)

Từ sự phát triển của trẻ

Trong sự phát triển của trẻ ba kỹ năng  tiền-ngôn ngữ  mà trẻ mất thính lực nếu có được sẽ là điểm mạnh cho việc phục hồi thính giác và phát triển ngôn ngữ là:

Kỹ năng cùng-chú ý

  • Ở trẻ rất nhỏ: biểu hiện nhìn chằm chằm vào người khác hoặc đồ vật và biết dùng điệu bộ để bầy tỏ nhu cầu.
  • Ở trẻ 4 – 6 tháng tuổi: có thể dõi theo ánh mắt mẹ để cùng nhìn theo sự chú ý của mẹ.
  • Ở trẻ 9 tháng tuổi: trẻ biết dùng ngón tay để chỉ, bầy tỏ muốn người khác cùng chú ý đến.
  • Ở trẻ 11 tháng: chỉ trỏ rồi nhìn vào mắt người khác với mục đích giao tiếp.

Kỹ năng luân phiên

Được xây dựng ngay từ khi còn rất bé qua việc cho ăn, nói chuyện ư a qua lại khi chăm sóc bé. Kỹ năng này tiếp tục phát triển trong các hoạt động khác khi trẻ lớn hơn mỗi trẻ sẽ biết phải chờ đợi lượt của mình như trong khi chơi với nhau hoặc giao tiếp hội thoại.

Kỹ năng giao tiếp chủ ý.

  • Lúc trẻ 4 – 8 tháng tuổi: trẻ bắt đầu mong đợi người lớn có hành vi đáp ứng lại một số hành vi nào đó của trẻ. Đây là dấu hiệu bắt đầu cho sự giao tiếp chủ ý.
  • Lúc trẻ 8 – 10 tháng tuổi:Trẻ biết kết hợp một hành động hướng đến một đồ vật và một hành động hướng đến một người, chẳng hạn như nhìn mẹ khi với lấy đồ chơi. Đây là cột mốc chính về phát triển giao tiếp có chủ ý. Từ đây trẻ sẽ biết dùng cử chỉ, lời nói để sự giao tiếp với người khác hiệu quả hơn.

Ngoài ra, đặc biệt trong việc xem xét một ứng viên cấy ốc tai điện tử, hành vi hợp tác của trẻ cũng là yếu tố cần tham khảo. Đó là hành vi hợp tác phù hợp với tuổi trong việc kiểm tra thính lực, ví dụ nếu trẻ dưới 2 tuổi, trẻ hợp tác đúng mực với phép đo VRA (Động Viên Thị Giác) đó là điểm mạnh.

error: