Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO) cứ 1,000 trẻ sinh ra có 1 đến 3 trẻ bị giảm thính lực và con số này cao hơn ở các nước đang phát triển.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy chẩn đoán sớm và chính xác kết hợp với việc sử dụng máy trợ thính được hiệu chỉnh đúng và thường xuyên giúp các trẻ nghe kém bẩm sinh có sự phát triển tốt về ngôn ngữ nói về sau.
Não có khả năng học ngôn ngữ ngay trong thời gian trước lúc sanh, và thời gian não học ngôn ngữ tốt nhất là từ lúc sanh đến 2 tuổi. Tuy nhiên khả năng để phát triển ngôn ngữ như bình thường lệ thuộc vào số lượng cũng như chất lượng âm thanh được truyền đến não. Trẻ không nghe rõ được lời nói sẽ không tiếp cận được những âm thanh cần thiết để phát triển ngôn ngữ nói. Như vậy cần phải chẩn đoán sớm và can thiệp sớm!
Làm sao để chẩn đoán sớm trẻ nghe kém?
1/ Chương trình tầm soát thính lực cho trẻ sơ sinh (Universal newborn hearing screening)
Tầm soát thính lực cho tất cả trẻ sinh ra bằng phương pháp đo âm ốc tai (OAE), dựa vào kết quả Pass hoặc Refer sau 2 lần liên tục trong vòng 1 tháng, giúp sàng lọc những trẻ có nguy cơ bị nghe kém bẩm sinh, theo dõi và đưa vào chương trình chẩn đoán sớm trong thời gian từ 3 đến 6 tháng tuổi.
2/ Chương trình chẩn đoán sớm cho trẻ nghe kém từ 3 đến 6 tháng tuổi
Đối tượng: các trẻ không vượt qua 2 lần sàng lọc bằng phương pháp đo âm ốc tai.
Phương pháp chẩn đoán: Chủ yếu dựa vào các kết quả đo âm ốc tai, nhĩ lượng đồ, phản xạ cơ bàn đạp và đặc biệt là đo điện thính giác thân não (ABR). Dựa vào các kết quả đo, bác sỹ hoặc chuyên gia thính học sẽ xác định được ngưỡng nghe của trẻ cũng như các bệnh lý thần kinh liên quan.
Việc thăm khám toàn diện cũng giúp xác định ra nguyên nhân gây giảm thính lực.
3/ Can thiệp sớm và đúng cách
Sau khi đã có chẩn đoán xác định, tùy vào mức độ giảm thính lực bác sỹ sẽ lựa chọn các phương pháp can thiệp phù hợp:
- Đối với mức độ giảm thính lực từ nhẹ đến trung bình nặng (25 đến 70 dB), máy trợ thính là sự lựa chọn thích hợp. Máy trợ thính sẽ giúp trẻ tiếp cận đầy đủ lời nói nếu được hiệu chỉnh đúng và sử dụng thường xuyên.
- Đối với mức độ giảm thính lực từ nặng đến sâu (trên 70dB), tùy thuộc vào khả năng nghe còn lại (residual hearing) và do sự hạn chế của công nghệ, máy trợ thính có thể không giúp trẻ tiếp cận đầy đủ lời nói, do đó việc xem xét đến chỉ định cấy ốc tai nên được đề cập, giúp trẻ nghe tốt hơn. Cần phải trải qua 1 giai đoạn đeo máy trợ thính để có được sự đánh giá chính xác về hiệu quả của máy trợ thính trong các trường hợp này trước khi quyết định cấy ốc tai.
Đây là chương trình tầm soát, chẩn đoán và can thiệp sớm EHDI (early hearing detection and intervention) 1-3-6 đang được áo dụng rộng rãi tại Mỹ và các nước tiên tiến trên thế giới.
Tại hearLIFE, theo qui trình chuẩn của ASHA (hiệp hội ngôn ngữ thính giác lời nói Hoa kỳ), chúng tôi đã và đang thực hiện đầy đủ chương trình EHDI, nhằm phát hiện sớm, can thiệp đúng cách và kịp thời cho các trẻ em nghe kém bẩm sinh tại Việt nam.
Vui lòng liên hệ hotline 1900 636 630 đặt lịch hẹn
BS. Lê Tự Thành Nhân, tổng hợp tài liệu từ tạp chí ENT & Audiology news, số tháng 11, 12.2017