Can thiệp sớm trẻ nghe kém
Khả năng thay đổi của hệ thần kinh (Neuroplasticity)
Hệ thần kinh trung ương của con người có khả năng thay đổi về cấu trúc tùy thuộc vào tín hiệu kích thích từ các cơ quan giác quan như thị giác và thính giác. Đối với trẻ em bị giảm thính lực, nếu không được can thiệp sớm đồng nghĩa với việc trung tâm thính giác ở vỏ não không nhận đầy đủ tín hiệu kích thích, và sẽ bị trung tâm thị giác ở kế bên chiếm chỗ, đặc biệt là những trẻ học giao tiếp qua tín hiệu dấu (vì sử dụng tín hiệu dấu làm tăng cường hoạt động thị giác). Can thiệp sớm trẻ nghe kém giữ vai trò sống còn nếu muốn trẻ phát triển ngôn ngữ lời nói.
Điều này giải thích tại sao các trẻ cấy ốc tai trễ có kết quả không tốt bằng các trẻ cấy sớm, cho dù tín hiệu kích thích từ điện cực ốc tai có thể tái lập lại đường dẫn truyền thính giác trung ương và giảm đi sự chiếm chỗ của hệ thị giác trong giai đoạn trước cấy, tuy nhiên sau 5 tuổi, khả năng tái tổ chức sẽ giảm.
Các nghiên cứu lâm sàng gần đây cho thấy kết quả thể hiện về phát triển ngôn ngữ là rất tốt ở nhóm trẻ được cấy sớm dưới 18 tháng tuổi.
Can thiệp sớm trẻ nghe kém rất cần thiết. Tuy nhiên, các trẻ em khiếm thính ở Việt nam hiện nay được chẩn đoán muộn vì những lý do sau đây:
- Chưa có chương trình tầm soát rộng rãi thính lực cho trẻ sơ sinh (Universal hearing screening for newborns).
- Phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về các dấu hiệu nghi ngờ giảm thính lực ở trẻ em cũng như ảnh hưởng của việc nghe kém lên quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ.
- Tình trạng quá tải của các cơ sở y tế chuyên sâu về tai, thính học, bệnh nhân phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian để có được chẩn đoán xác định bị giảm thính lực, làm mất đi thời gian vàng can thiệp cho trẻ là dưới 3,5 tuổi.
Chuyên gia hearLIFE